Cùng với những điếu tẩu bằng ngọc ngà khảm vàng bạc của giới thượng lưu thời phong kiến, dân mê điếu - tẩu cũng tập trung săn những tẩu hút thuốc của các già làng ở Tây Nguyên.
Bảo vật của dân đi mây về gió
Trên trang thichduthu…, một dân chơi đã không ngần ngại chụp và post nhiều hình ảnh liên quan đến những chiếc điếu - tẩu có gốc cũ hồn xưa. Dưới cái nick rất Tây là Legolas, tay chơi này tâm tình rằng rất ghét khói thuốc, cực lực phản đối việc hút thuốc và sẵn sàng lên án những người hút thuốc nơi công cộng với lời nhắn hiềm một nỗi mình lại có chút duyên nợ quanh vầng khói này nên đến với thú săn điếu tẩu: "Phàm là thú chơi thì người ta chơi đến nơi đến chốn, người ta cẩn thận sao cho cái bao thuốc cho đẹp, cái điếu cho tinh, cái tẩu cho độc, cái hộp quẹt cho lạ, mỗi một thứ đều rất tinh xảo và mang đậm nét cá nhân của người dùng".
Ông V., ngoài 60 tuổi, ở đường Lê Quý Đôn, quận 3, một dân sưu tầm đồ cổ với gia tài ưng ý là hàng trăm cái ống điếu bằng đủ chất liệu ngọc ngà tiết lộ rằng, tâm tình trên của tay chơi Legolas, cũng chính là tâm tình của ông, không thích hút thuốc lá nhưng lại mê sưu tầm những tẩu của các bậc tiền nhân mê nhả khói. Ông V. nói rằng người hút thuốc ở Việt Nam từ cổ chí kim rất nhiều nhưng không ai giống ai về mặt tính cách cùng đẳng cấp.
Theo ông V., cái cá nhân của các môn đồ trào lưu đi mây về gió ngày trước rất đa dạng, thể hiện qua những chiếc điếu-tẩu từng gắn với họ như hình với bóng mà nay nhờ duyên trời trở thành “thành viên” trong bộ sưu tập ống điếu đồ sộ của ông: "Người giàu sang, quyền thế, trọng vẻ bề ngoài, có khi kẻ cả, khệnh khạng thì dùng điếu hút bằng ngọc ngà dát vàng và chạm trổ tinh xảo… Dưới cấp này một bậc thì dùng điếu tẩu bằng xương thú, hay răng nanh các loài thú như nanh heo rừng, gạc sừng hươu nai. Giới bình dân khỏi phải nói ai cũng biết dùng những điếu tẩu làm từ thân cây rừng, có khi bằng cây tre già lên nước bóng loáng".
Theo các tay chơi, tùy vùng miền mà mỗi nơi, mỗi tộc người sáng tạo ra kiểu dáng của những vật hút thuốc khác nhau, gọi bằng nhiều tên gọi như điếu, tẩu, ống hút…. Và cũng theo các tay chơi, căn cứ vào những hình chạm khắc trên những ống điếu - tẩu, tay chơi có con mắt tinh đời sẽ ít nhiều đoán định được tính cách của người từng sở hữu cái điếu-tẩu ấy.
Cho tôi xem 2 cái ống điếu bằng ngà voi với đầu hút được bọc vàng, nghe đâu là của quan đại thần triều Nguyễn, nhưng không cho chụp hình vì sợ của quý bị rò rỉ thì "kẻ gian dòm ngó", ông V. phân tích: "Cái này chạm con giao long - một biến thể của con rồng trong thế vờn mây, giương 4 móng vuốt, chứng tỏ chủ nhân của nó là quan đại thần, mà là quan võ, bởi chỉ quan võ mới thích những hình chạm trổ mạnh mẽ như vậy. Còn cái này cũng là đồ ngà nhưng trên nó chạm mai-lan-trúc-cúc vốn dĩ là biểu trưng cho vẻ đẹp thánh thiện và người quân tử, chứng tỏ chủ nhân của nó chắc chắn là quan văn hay là người có gốc gác hoàng tộc, xem trọng vấn đề Nho giáo".
Thú thật tôi là người ngoại đạo nên không rành lắm về chất liệu cũng như đẳng cấp, vai vế, tính cách của các vị từng là chủ nhân của 2 món đồ ngà trên. Khi còn đang phân vân rằng liệu có đúng là 2 chiếc ống điếu một rồng một hoa kia bằng ngà voi thứ thiệt, nếu thực là đồ ngà thì liệu nó có đúng là vật dụng của các quan đại thần hay bậc vương giả ngày trước hay không, thì chúng tôi được diện kiến kho điếu-tẩu khác của một người bạn ông V. Ông này tên A Tào, người Việt gốc Hoa, sống ở khu Chợ Lớn, chuyên kinh doanh các món biệt dược quý tộc như tổ yến huyết, đông trùng hạ thảo… cùng tuyến giáp được quảng cáo là chất nhầy của một loài ếch ở Tây Tạng (chúng tôi sẽ đề cập chi tiết ở bài viết khác-PV): "Ngộ chỉ kết chơi dọc tẩu thôi. Nhiều cái dọc tẩu của ngộ có cái 100 năm tuổi, có cái gấp đôi tuổi trăm năm (200-PV). Cái dọc tẩu của giới bình dân thì to lớn, thô ráp còn của thương gia, quan lại lúc nào cũng nhỏ nhắn, nho nhã, tinh xảo, quý hiếm về chất liệu và mỹ thuật".
"Chỉ tuyển chứ không bán"
Về chức năng thì dọc tẩu của lớp người Hoa xưa đến giao thương ở xứ Đàng trong hơn 300 năm trước đổ dài về sau không khác gì tẩu-điếu của dân Việt. Nhưng về cấu hình thì hoàn toàn khác biệt. Tẩu-điếu của người Việt ở chốn đồng bằng hay kinh kỳ thì cầu kỳ, uốn éo, chạm nổi gần như toàn thân. Riêng dọc tẩu của người Hoa xưa được ông Tào sưu tập nhỏ nhắn, kết cấu lạ, trông cứ như cây viết nhưng dài hơn với thân thường bằng xương thú ngà voi, kiểu dáng được chuốt thẳng, thường chạm cảnh thủy mặc, đầu ống điếu bằng ngọc, chỗ đốt thuốc bằng vàng hoặc đồng nguyên chất.
Cận cảnh một điếu ngà của giới quý tộc được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật lịch sử tại TP HCM.

Về cơ bản, những chiếc dọc tẩu trong bộ sưu tập của ông Tào có "cấu hình" tựa những chiếc dọc tẩu được tay chơi Legolas post trên trang thichduthu. Cũng từ sự chia sẻ của ông này, tôi được dịp "diện kiến" những bộ tẩu có bình chứa thuốc bằng sứ, bạc được chạm khắc, trang trí hoa văn tinh xảo, lạ kỳ. Ngoài ra còn có những chiếc dọc tẩu bằng lõi cây, rễ cây gỗ quý dài hơn nửa mét mà theo ông Tào thì nó được làm từ thân và rễ cây huỳnh đàn, còn gọi là gỗ sưa vì để ngàn năm vẫn không bị mối mọt, vẫn giữ được hương thơm lạ kỳ và quan trọng hơn  là có chức năng phong thủy, giúp người sử dụng xua đuổi được ma tà, trừ được uế khí, đường công danh luôn được hanh thông…
Không ầm ĩ như dân sưu tầm các đồ sành sứ, tiền cổ, trống đồng, vật dụng của người tiền sử, chiêng ché của các dân tộc Tây Nguyên…., dân "chơi" điếu tẩu trăm năm như dân chơi đồ ngà hay trầm kỳ (trầm hương và kỳ nam-PV) khá kín tiếng. Theo ông V., A Tào và một số tay chơi đề nghị giấu tên thì số người mê sưu tầm đồ hút, hít của người xưa với các cấp độ đẳng cấp tại Sài thành không quá 20 người, và đều là đàn ông. Cá biệt, có một vài người như ông A Lìn, ngụ quận 5 không chỉ săn các tẩu-điếu mà còn sưu tầm những gì liên quan đến "tứ thú" của người xưa.
"Tứ thú" theo ông này là các vật được bậc vương giả ngày trước như quan lại, thương gia, người hoàng tộc dùng trong các thú tiêu dao "ăn trầu, hút thuốc, uống rượu, uống trà". Vì là đồ tiêu dao của giới quý tộc thời bấy giờ nên các món đồ đều được chế tác bằng những chất liệu quý như bạch ngọc, thạch ngọc, ngà voi, xương thú, gạc hươu nai, sừng sơn dương, bò tót… Các món đồ này không chỉ được chạm trổ long-phụng, mai-lan-trúc-cúc mà còn hiện diện những hình ảnh, hoa văn lịch lãm, quý phái như thơ, hòn non bộ, cảnh trời mây non nước.
Nhan nhản những điếu ngà điếu ngọc không rõ nguồn gốc và chất lượng được rao bán.

Có một điều lạ là khi tôi hỏi về giá cả của những món đồ độc trên thì các tay chơi đều ra chiều bí mật. Ông A.Tào tâm sự rất thật rằng suy cho cùng, hơn 400 món đồ trong bộ "tứ thú" của ông như "đồ" của những tay chơi các chủng loại cổ vật khác, với người này nó chỉ là món đồ xưa cũ chẳng mấy giá trị, có khi chỉ là đồ vứt bỏ hoặc rẻ mạt nhưng với người khác, đó lại là cả gia tài. "Nếu nói về giá cả thì vô chừng. Với người thiếu hiểu biết hay chẳng mặn mà thì cái điếu ngà của tôi chẳng đáng giá là bao, có khi chỉ vài triệu đồng nhưng với người có hiểu biết, máu me thì giá trị của nó gấp hàng trăm lần. Nói chung, nếu đã là dân sưu tầm đúng nghĩa thì chẳng ai tiết lộ giá cả của những “đứa con” cưng mà mình phải mất nhiều công sức, tiền bạc mới có được" - ông A Tào bộc bạch.
Không chỉ không bật mí về giá trị hay trị giá, các tay chơi tẩu-điếu cũng tuyệt nhiên không chấp nhận chuyện trao đổi hay bán chác các món đồ trong bộ sưu tập của mình. Tất cả họ đều có chung tâm sự đã là dân chơi đích thực thì chỉ có mua vào chứ không bao giờ bán ra. Có chăng chỉ là trao đổi qua lại, tuyệt nhiên không có chuyện "gả" để kiếm lời: "Chỉ có dân buôn mới làm vậy thôi. Chứ mình dân sưu tầm thuần túy, đời nào có chuyện bán buôn, như vậy là tổ phạt, bán một lần thì về sau vì nhiều lý do đồ quý cứ lần lượt ra đi, lớp bị đổ bể, lớp bị trộm cắp, nói chung là xui tận mạt".
1.001 cạm bẫy
Như đã nói, số tay chơi chính thống chỉ mua vào chứ không bán ra các món đồ từng được nhiều cấp bậc tiền nhân dùng vào việc đi mây về gió ở đất Sài thành không quá 20 người. Nhưng số người đang đổ xô vào thú chơi đang có hơi hướm thời thượng này với các kiểu bán chác lớp kiếm lời, lớp lừa đảo thì… không kể hết: "Quân ma mãnh bây giờ nhiều lắm. Núp dưới nhiều vỏ bọc với các lời rao có cánh như đồ gia truyền, đồ gia bảo, vật tùy thân của ông cố, ông nội nay qua đời để lâu sợ hư cần bán…, bọn láu cá tung đủ chiêu trò để dụ mồi. Nếu không tỉnh táo và có chuyên môn, tay chơi non cơ dễ dính đòn hiểm của bọn gian khi trả cho chúng hàng chục, có khi hàng trăm triệu đồng để rinh về cái điếu-tẩu hút thuốc tiếng là ngà voi, sừng tê giác, trầm hương… được "chế biến" từ bột đá, bột gỗ, hay xương trâu bò" - ông A Lìn lưu ý.
- Chú có thể nói rõ hơn bẫy điếu tẩu ngà-trầm được "chế" từ bột đá, bột gỗ hay xương thú?
- Dễ thôi, để câu mồi, tụi ba trợn sẽ tung mấy món đồ kia lên các diễn đàn tập hợp những người đam mê, yêu thích cổ vật rồi phịa ra câu chuyện huyền hoặc như đồ gia bảo, gia truyền rồi nhờ ai đó có chuyên môn thẩm định chất lượng. Được một thời gian thì có chuyên gia, hay tay chơi nào đó kỳ thực là đồng bọn của chúng sẽ tung hô rằng chúc mừng bạn có được bảo vật, và ngỏ ý mua… Đây là chiêu cổ điển nhưng có khá nhiều người vì tâm lý ham sở hữu đồ độc, hay lo sợ "bảo vật quốc gia" sẽ rơi vào tay người nước ngoài nên hấp tấp lao vào tranh mua và… dính chưởng.
Đảo qua một vài địa chỉ mà ông A Tào cung cấp, tôi thấy rõ là có nhiều người sau khi tung hình những ống điếu, tẩu hút bằng ngọc ngà đã nhờ người kiểm định hoặc rao bán với những ngôn từ rất oách… Cá biệt có người còn cam đoan cái tẩu của mình có "gốc gác" sừng tê giác tuyên bố "chia sẻ cho anh em chiêm ngưỡng chứ không bán".
Nhưng theo các ông A Tào, V., A Lìn… thì đó nhiều khả năng là chiêu của kẻ gian để dẫn dụ, nhằm mục đích đánh tan sự nghi ngờ của những con mồi tương lai rằng đó đúng là đồ quý nên chủ nhân mới không chịu kêu giá: "Khi con mồi cảm kích và kết tình bằng hữu, khi thời cơ chín muồi, ngày nọ hắn sẽ đánh tiếng cần tiền làm ăn, chữa bệnh, sửa nhà… dù rất đau lòng nhưng phải đoạn đành bán báu vật tổ tiên. Lúc đó cá dễ cắn câu lắm" - ông A Lìn cảnh báo